Thời gian gần đây truyền thông nội bộ luôn là chủ đề nóng hổi mà các doanh nghiệp để tâm đến. Truyền thông nội bộ nghe có vẻ dễ nhưng để đạt được kết quả như mong đợi thì lại là vấn đề khó nhằn. Tất nhiên vẫn là nội bộ đó nhưng chúng ta không được lặp lại kế hoạch truyền thông của trước kia mà phải liên tục chuyển đổi, làm mới để có kết quả tốt nhất.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và các công cụ truyền thông, xu hướng truyền thông nội bộ trong năm 2023 sẽ đặc biệt tập trung vào việc tăng cường vào tự động hoá mọi quy trình và trải nghiệm của nhân viên.Nắm bắt được mối quan tâm của các nhà truyền thông nội bộ ICC Solutions xin phép dự đoán xu hướng làm truyền thông nội bộ trong năm 2023 doanh nghiệp có thể tập trung vào những hướng sau:
1. Tập trung vào trải nghiệm nhân viên
Mọi hoạt động của truyền thông nội bộ năm 2023 dự đoán sẽ tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm của nhân viên, giúp họ cảm thấy liên kết và hiểu doanh nghiệp hơn. Trải nghiệm nhân viên là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng sợi dây gắn kết vô hình giữa nhân viên và doanh nghiệp. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống làm việc, bao gồm môi trường làm việc, công việc, lương thưởng, chế độ bảo hiểm, các chính sách và quy trình của công ty, cơ hội phát triển nghề nghiệp và các mối quan hệ giữa các đồng nghiệp và giữa nhân viên và cấp quản lý.
Vậy nên, không quá khó hiểu khi năm 2023 doanh nghiệp lại tập trung vào trải nghiệm nhân viên. Với thị trường lao động ngày càng căng thẳng, nhân sự được dự đoán là sẽ khan hiếm nên các doanh nghiệp có xu hướng sẽ quan tâm và đầu tư vào trải nghiệm nhân viên nhiều hơn để giữ chân nhân viên và thu hút nhân tài về cho doanh nghiệp của mình.
Các doanh nghiệp sẽ dần quan tâm đến sức khỏe của nhân viên bởi chúng ta có Gen Z – Thế hệ lo âu đang bắt đầu gia nhập thị trường lao động và trở thành một phần không thể thiếu với mỗi doanh nghiệp. Mặc dù sức khỏe tinh thần vốn là vấn đề không mới, đặc biệt còn ngày một nhức nhối hơn khi mà cụm từ “áp lực công việc” ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Nhưng theo tìm hiểu, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa có nhiều chính sách hoặc chưa có các chương trình rõ rệt về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Có một số doanh nghiệp đã có những chương trình nâng cao sức khỏe tinh thần bài bản cùng với nơi làm việc có trang bị cả khu vực thư giãn, nơi giải trí cho nhân viên nhưng còn là số ít và hầu như là các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, một trong 3 yếu tố ảnh hưởng tới trải nghiệm nhân viên là môi trường làm việc có mối liên hệ chặt chẽ với các chương trình, chính sách sức khỏe nhân viên. Vì vậy, đây cũng có thể là thời điểm mà trải nghiệm nhân viên sẽ được đề cao hơn bao giờ hết.
Các công cụ, ứng dụng truyền thông nội bộ sẽ được thiết kế để giúp nhân viên cảm thấy được động lực, năng động và có khả năng phát triển bản thân hiểu được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Năm 2023 hứa hẹn sẽ là một năm bùng nổ các hoạt động trải nghiệm mang lại giá trị trong từng khoảnh khắc.
2. Tập trung vào tính tương tác
Năm 2023, truyền thông nội bộ sẽ phát triển nghiêng về tính tương tác. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc xây dựng các diễn đàn và sự kiện nội bộ, trong đó nhân viên có thể chia sẻ ý kiến và ý tưởng của mình. Tương tác giữa nhân viên và ban lãnh đạo cũng sẽ được khuyến khích và đề cao hơn. Nhân viên sẽ cảm nhận được giá trị và vị trí của mình đối với doanh nghiệp, tiếng nói cá nhân cũng sẽ được đề cao. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động đào tạo, workshop chỉ tiếp thu kiến thức thụ động (một chiều) mà nhân sự sẽ được trải nghiệm và tương tác với nhau để có những bài học sát với bản thân họ nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh sử dụng các công cụ truyền thông nội bộ như email, tin nhắn, trang web nội bộ, hộp thư góp ý, các ứng dụng chat và hệ thống phần mềm quản lý dự án.
Sự tương tác sẽ mang lại hiệu quả cao và thúc đẩy giao tiếp giữa các cấp lãnh đạo với nhân viên cũng như giữa nhân viên với nhau từ đó thúc đẩy quá trình thấu hiểu và đồng hành. Khuyến khích giao tiếp hai chiều là một cách tuyệt vời để tạo ra sự tương tác giữa nhân viên với nhân viên và nhân với với lãnh đạo. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong tổ chức/doanh nghiệp.
3. Sử dụng công nghệ mới
Thế kỷ 21 là thời điểm của công nghệ, vậy nên truyền thông nội bộ cũng sẽ nhanh chóng bắt kịp với điều này. Không chỉ còn các cuộc họp hay những khóa đào tạo trực tiếp mà thay vào đó là hình thức online để tối ưu chi phí và thời gian của tất cả mọi người. Sử dụng các nền tảng kết nối trực tuyến như Teams, Zoom hay Skype để tạo sự kết nối giữa các nhân sự từ các chi nhánh khác nhau hay sử dụng để họp cũng như lưu giữ nội dung cuộc họp một cách nhanh chóng.
Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, truyền thông xã hội và nền tảng điện toán đám mây sẽ được tích hợp vào các hệ thống truyền thông nội bộ để giúp nhân viên truy cập thông tin nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đầu tư tăng cường sử dụng các công cụ hỗ trợ trao đổi thông tin và quản lý công việc như Asana, Trello hay Slack để quản lý dự án và theo dõi tiến độ công việc, giúp các thành viên làm việc đồng bộ và hiệu quả hơn cũng là một trong những xu hướng mà doanh nghiệp đang hướng tới. Đồng thời, các hệ thống này sẽ giúp các doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định và chiến lược phù hợp.
4. Xây dựng môi trường làm việc tích cực hơn
Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tạo ra một môi trường tích cực cho nhân viên, nơi mà họ có thể cảm thấy được động lực và đồng hành trong công việc của mình. Xây dựng một môi trường làm việc tích cực cũng là yếu tố quan trọng để tăng cường tương tác giữa các thành viên trong tổ chức. Một môi trường làm việc tích cực sẽ khuyến khích các thành viên trong tổ chức cảm thấy thoải mái để chia sẻ thông tin và ý kiến, và giúp tạo ra sự kết nối giữa các thành viên.
Đặc biệt, không gian làm việc sẽ được đầu tư và chú trọng hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp nên khuyến khích tính cá nhân hóa trong môi trường làm việc và thiết kế một không gian tách biệt đầy đủ tiện ích cho nhân viên nghỉ ngơi, thư giãn và trải nghiệm. Bên cạnh việc cố định khu vực làm việc chính, bạn có thể cung cấp dịch vụ chăm trẻ, phòng gym, lớp yoga, thực phẩm và đồ uống lành mạnh, làm đẹp…Điều quan trọng là cho nhân viên thấy bạn quan tâm đến họ như những người đồng hành chứ không đơn thuần chỉ là những người làm thuê. Truyền thông nội bộ sẽ phát triển hơn về sự tích cực và thoải mái, giúp tăng cường tinh thần làm việc và hiệu suất của nhân viên.
5. Đề cao văn hoá công nhận
Nhân viên nào cũng mong muốn được công nhận năng lực và trở thành một nhân tố quan trọng của công ty. Mỗi công ty sẽ có cách thể hiện sự công nhận với những hình thức khác nhau. Theo báo cáo mới nhất của OCTanner, chỉ có 21% nơi làm việc trên toàn thế giới áp dụng hoạt động công nhận nỗ lực nhân viên. Thành công của tổ chức ngày càng phải phụ thuộc vào việc có một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, riêng biệt vì nó thúc đẩy môi trường làm việc tích cực, nơi nhân sự luôn cảm thấy mình có giá trị và được xem trọng.
Trao quyền tự chủ cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên trải nghiệm nhân viên tuyệt vời. Thay vì quản lý khắt khe, chi tiết, doanh nghiệp nên để họ tự đưa ra một số quyết định, tự quản lý khối lượng công việc của họ, đóng góp ý tưởng và làm việc mà không phải chịu sự giám sát liên tục, cùng với áp đặt của lãnh đạo. Một nghiên cứu trên 20,000 nhân viên trong 2 năm cho thấy rằng những người có nhiều quyền tự quyết hơn trải nghiệm mức độ thỏa mãn cao hơn và cảm xúc tốt hơn trong công việc. Kết quả này cho thấy những nhân viên được trao quyền sẽ cảm thấy hạnh phúc, năng nổ hơn, góp phần tạo nên một không gian làm việc tích cực hơn.
Những dự đoán này chỉ mang tính chất tham khảo và không thể chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải đầu tư thời gian và nguồn lực để tìm hiểu và áp dụng những xu hướng mới nhất trong truyền thông nội bộ, giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực và nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.