Đối với công ty/tổ chức, nhân viên xuất sắc như một “tài sản” vô cùng quý giá và quan trọng. Họ đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công và phát triển bền vững của công ty. Tuy nhiên nhân viên càng giỏi thì càng khó để níu giữ. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề cập đến bài viết này. Làm rõ về khái niệm “nhân viên xuất sắc” và tìm hiểu những điều để giữ chân họ ở lại phát triển cùng công ty/ tổ chức.
NHÂN VIÊN XUẤT SẮC LÀ GÌ
Có rất nhiều định nghĩa về nhân viên xuất sắc bởi mỗi công ty sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Với mỗi doanh nghiệp, mỗi phòng ban sẽ có những tiêu chí để đánh giá nhân viên khác nhau. Tham khảo trên Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, nhân viên xuất sắc là người mà có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp một cách sáng tạo và đóng góp nhiều ý tưởng mới, họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và giúp công ty đạt được những thành công.
Nhìn chung có thể hình dung nhân viên xuất sắc không chỉ đơn thuần là những người có thành tích làm việc vượt trội hay luôn là người hoàn thành công việc xuất sắc. Điều quan trọng hơn hết đó là họ luôn mang đến những giá trị cho công ty. Chắc chắn nhân viên xuất sắc là những người có kiến thức chuyên môn cao, sự sáng tạo, các kỹ năng liên quan đến công việc. Họ là những người luôn đặt công việc và tổ chức lên hàng đầu, hướng đến sự phát triển của bản thân và tổ chức.
Nhân viên xuất sắc trong một công ty không nhiều, họ không chỉ là nhân viên mà còn là cánh tay đắc lực, mấu chốt quan trọng của công ty.
Thường thì nhân viên xuất sắc sẽ được đề bạt thường xuyên và giữ vị trí quan trọng trong công ty.
MỘT SỐ YẾU TỐ ĐÁNH GIÁ XEM NHÂN VIÊN CỦA BẠN CÓ XUẤT SẮC
Mỗi một doanh nghiệp sẽ có những hình tượng nhân viên xuất sắc khác nhau. Một số gợi ý để bạn phát hiện ra nhân viên xuất sắc và bồi dưỡng họ:
Hiệu suất làm việc: Đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên dựa trên các tiêu chí như số lượng công việc hoàn thành, chất lượng công việc, thời gian xử lý công việc, đóng góp trong một quý…
Chất lượng công việc: Đánh giá chất lượng công việc của nhân viên dựa trên độ chính xác trong công việc, tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và mức độ đáp ứng yêu cầu công việc.
Khả năng làm việc nhóm: Đây là một trong những điều quan trong. Đánh giá xem khả gắn kết và hỗ trợ đồng nghiệp. Có giao tiếp hiệu quả và tạo ra môi trường làm việc tích cực hay không. Sự cạnh tranh của người này tạo ra là tích cực hay có phần cá nhân hoá.
Sự cam kết và nỗ lực thăng tiến trong công ty: Cái này thì sẽ khó để đánh giá chính xác nhất, nhưng nó sẽ biểu hiện qua việc nỗ lực làm việc. Chủ động trong mọi vấn đề của công ty.
Sự phát triển cá nhân: Xem xét khả năng và ý chí của nhân viên trong việc học hỏi, nâng cao kỹ năng, và phát triển bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc mới.
Đánh giá từ đồng nghiệp và cấp trên: Thu thập phản hồi từ đồng nghiệp và cấp trên của nhân viên về đóng góp và hiệu suất làm việc của họ.
Thành tích và giải thưởng: Xem xét các thành tích đạt được và giải thưởng nhận được từ công ty hoặc ngành nghề để đánh giá năng lực.
Các yếu tố trên chỉ là vài điểm để tham khảo. Quan trọng là tùy các doanh nghiệp lựa chọn các tiêu chí nào phù hợp với ngành nghề và yêu cầu công việc của vị trí đó để xác định xem nhân viên đó như thế nào một cách công bằng và khách quan nhất.
LÝ DO CÁC DOANH NGHIỆP LUÔN NỖ LỰC GIỮ CHÂN NHÂN VIÊN
Nhiều lãnh đạo luôn đau đầu và nỗ lực đi tìm câu trả lời cho việc giữ chân nhân viên giỏi. Vậy đâu là lý do khiến cho các chủ doanh nghiệp đề cao việc này đến vậy.
Bảo đảm chất lượng nhân sự của công ty
Nhân viên xuất sắc đều là những người đã có một quá trình học tập và làm việc tại công ty. Họ đã nỗ lực để đạt được kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho vị trí đó. Việc giữ chân họ trong công ty đảm bảo sự liên tục và ổn định của quy trình sản xuất. Đồng thời là sự phát triển dự án và kế hoạch của công ty. Họ có thể tiếp tục đóng góp giá trị và giữ vững những lợi thế cạnh tranh của công ty.
Tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho quá trình đào tạo
Quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới là quá trình tốn kém về cả thời gian và nguồn lực. Việc tuyển được người đã khó chứ chưa nói đến tuyển người tài phù hợp với công việc. Giữ chân nhân viên xuất sắc giúp tránh việc phải đầu tư quá nhiều vào việc tuyển dụng và đào tạo lại. Nhân viên đã quen thuộc với môi trường làm việc, quy trình công việc và văn hoá công ty sẽ nhanh chóng tiếp tục đóng góp hiệu quả.
Gìn giữ và phát triển văn hóa doanh nghiệp
Nhân viên xuất sắc thường đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa công ty. Họ đã gắn bó và hiểu văn hoá doanh nghiệp. Đồng thời là những người góp phần tạo nên văn hoá tích cực và sáng tạo. Việc giữ chân họ giúp duy trì một môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần đồng đội. Điều này tạo đà cho sự phát triển bền vững của công ty và thu hút nhân viên vươn lên.
NHỮNG ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN LÀM ĐỂ GIỮ CHÂN NHÂN TÀI
Do đâu mà nhân viên nghỉ việc
Chúng ta có thể thấy một số lý do thường gặp ở Việt Nam như:
Cơ hội nghề nghiệp kém: Nhân viên cảm thấy không có cơ hội phát triển sự nghiệp trong công ty và mong muốn tìm kiếm những cơ hội mới.
Môi trường làm việc không tốt: Các yếu tố như quan hệ công việc không tốt, sự thiếu tôn trọng, môi trường làm việc căng thẳng, hoặc thiếu sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp trên.
Điều kiện công việc không phù hợp: Lý do bao gồm mức lương không tương xứng, không có lợi ích cạnh tranh, không có cơ hội phát triển kỹ năng hoặc công việc không đáp ứng được sự hài lòng cá nhân.
Sự cân bằng công việc-gia đình: Nhân viên gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, và quyết định nghỉ việc để tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn.
Thay đổi sự nghiệp: Nhân viên quyết định chuyển hướng hoặc thử sức trong ngành nghề khác.
Một nghiên cứu Great Attrition của McKinsey đã chỉ ra rằng có đến ba yếu tố trong trải nghiệm của nhân viên là những lý do hàng đầu khiến nhân viên rời đi.
- Lãnh đạo không quan tâm
- Không có cảm giác ổn định, bền vững trong công việc
- Thiếu cơ hội phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp
Những điều níu giữ nhân viên xuất sắc
Cung cấp cơ hội phát triển và lộ trình thăng tiến cụ thể
Những nhân viên giỏi sẽ không bao giờ chịu đứng tại chỗ, họ luôn luôn nỗ lực để ngày càng tốt hơn và phát triển hơn. Vậy nên hãy cung cấp chương trình đào tạo, khóa học và cơ hội học tập liên tục để nhân viên giỏi có thể nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình. Công ty có thể tài trợ cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, hội thảo ngành nghề. Điều này không chỉ giúp nhân viên phát triển sự nghiệp mà còn tạo cảm giác được quan tâm và đầu tư.
Đồng thời hãy thường xuyên trao đổi để biết nhu cầu và mong muốn của họ. Hãy cho họ thấy được lộ trình thăng tiến rõ ràng và cơ hội để họ phát triển khi nỗ lực vì công ty.
Trao quyền và công nhận
Việc trao quyền thực sự có ảnh hưởng rất lớn đối với việc gắn bó của một nhân viên với công ty. Những người giỏi và có kinh nghiệm họ cần được trao quyền chủ động quyết định và có tiếng nói nhất định đối với phòng ban, công ty. Có như thế họ mới cảm nhận được sự quan trọng của mình và cảm thấy mình đang làm chủ công việc hiện tại chứ không phải đang bán chất xám.
Việc trao quyền cũng sẽ khiến họ cảm thấy có trách nhiệm đối với sự phát triển và thành công của công ty. Nhờ đó mà thúc đẩy cảm giác tự hào và lòng trung thành đối với doanh nghiệp.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên
Một ngày có 24h trong đó đã có đến 8-9 tiếng là ở văn phòng, có thể nó chiếm một khoảng thời gian khá lớn. Vì vậy những câu khẩu hiệu như văn phòng là ngôi nhà thứ 2, chúng ta là gia đình luôn được đề cao. Vì vậy không chỉ đảm bảo mức lương thưởng phù hợp mà còn nên tính toán việc bồi đắp tinh thần cho nhân viên.
Những chính sách phúc lợi hấp dẫn, nhưng đãi ngộ đặc biệt. Quan tâm tới sức khoẻ cá nhân, tinh thần để ý trạng thái làm việc của nhân viên. Những điều trên sẽ giúp nhân viên của bạn giảm áp lực, stress để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Ngoài ra phúc lợi cho gia đình của nhân viên cũng là điều đáng cân nhắc.
Tạo môi trường làm việc thuận lợi
Xây dựng một môi trường làm việc tích cực và khuyến khích sự phát triển của nhân viên. Đảm bảo công bằng và công việc được đối xử tốt, tạo điều kiện để nhân viên có thể thể hiện tài năng và ý tưởng sáng tạo của mình. Một môi trường làm việc thoải mái, tôn trọng và đáng tin cậy sẽ giúp giữ chân nhân viên giỏi.
KẾT LUẬN
Trong bài viết này, chúng tôi đã đưa ra ý kiến về tầm quan trọng của việc giữ chân nhân viên xuất sắc. Việc giữ chân nhân viên giỏi không chỉ giúp công ty duy trì và phát triển nhân sự chất lượng, mà còn có nhiều lợi ích khác.
Chúng ta hiểu rằng để giữ chân nhân viên giỏi, công ty cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, cung cấp cơ hội phát triển và học tập, đảm bảo phúc lợi…Những cách này cần được áp dụng một cách liên tục và thống nhất, minh bạch. Tuy nhiên, giữ chân nhân viên giỏi không chỉ là trách nhiệm của công ty mà còn là một quá trình tương tác giữa công ty và nhân viên. Để đạt được mục tiêu này, cần sự tận tụy, sự chia sẻ và sự chăm sóc từ cả hai bên.
[…] NHÂN VIÊN XUẤT SẮC? LÀM GÌ ĐỂ GIỮ CHÂN NHỮNG NGƯỜI GIỎI […]
[…] NHÂN VIÊN XUẤT SẮC? LÀM GÌ ĐỂ GIỮ CHÂN NHỮNG NGƯỜI GIỎI […]